Breaking News
Loading...
Friday, December 5, 2014

NGUY CƠ VIỆT NAM BIẾN THÀNH BÃI THẢI CÔNG NGHỆ

11:42 PM
Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định: Các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang có khuynh hướng chuyển mạnh đầu tư ra nước ngoài, trong đó có một số DN đầu tư ra nước ngoài với công nghệ máy móc, thiết bị lạc hậu.


Việt Nam đã trở thành thị trường mở, với vị trí cận kề Trung Quốc nên nguy cơ trở thành "bãi thải" công nghệ của Trung Quốc là hoàn toàn có lý. Nhất là khi việc lựa chọn công nghệ của không ít DN, đặc biệt là các DN địa phương không dựa trên những chiến lược phát triển chung và luôn thiếu thông tin. 

Sản xuất thép - ô  nhiễm đầu bảng

Hiện nhiều dự án luỵện cán thép lớn đang xuất hiện ở Việt Nam nhằm đưa nước ta trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn. Nhưng hậu quả của việc phát triển ồ ạt các lò luyện thép sẽ biến nước ta trở thành "bãi rác" công nghệ và chất thải gây ô nhiễm môi trường. Mới đây dự án luyện cán thép của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đã được cấp phép vào Dung Quất. Theo dự đoán của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dự án này sử dụng loại lò cao dung tích 550 m3.

Một dự án khác vừa được khởi công xây dựng cuối tháng 6/2007 tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) do Công ty Vạn Lợi liên doanh với Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh cũng sẽ sử dụng loại lò cao dung tích 230 m3 và lò luyện thép 40 tấn/mẻ, suất đầu tư của dự án này khá thấp chỉ khoảng 212 USD/tấn thép thành phẩm. Còn dự án Tycoons cũng có suất đầu tư ở mức khoảng 200 USD/tấn thép thành phẩm.

Theo các chuyên gia, những dự án luyện cán thép với suất đầu tư thấp như vậy sẽ không giúp cho ngành thép Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong tương lai mà còn khiến tình trạng thiếu hụt năng lượng trở nên nghiêm trọng hơn, bởi mức tiêu hao than cốc cho một tấn gang đối với loại lò cao mà Công ty Vạn Lợi, Tycoons đưa vào Việt Nam nhiều gấp đôi so với sử dụng loại lò cao dung tích 3.000 m3 trở lên. Ông Phạm Chí Cường nhấn mạnh: Chỉ những dự án sử dụng loại lò cao 3.000 m3 trở lên, việc đầu tư xử lý chất thải mới có hiệu quả.

Các chuyên gia lên tiếng

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ông Đinh Sơn Hùng cảnh báo: Trong tình hình thiếu điện như hiện nay, việc chấp nhận dây chuyền sản xuất gang thép lạc hậu, tiêu thụ nhiều điện, than sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế, đẩy Việt Nam tiến nhanh hơn đến tình trạng mất cân đối về năng lượng, cản trở quá trình giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam,  Nhà nước phải đưa ra những tiêu chuẩn thiết bị công nghệ thật nghiêm khắc để bảo đảm 10-20 năm sau, những công nghệ mà chúng ta nhập về không bị lạc hậu. Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần xây dựng chiến lược quốc gia về từng khu vực thị trường trong việc hợp tác đầu tư trao đổi công nghệ, trong đó có thị trường Trung Quốc. Khi đầu tư DN cần tính đến tính chất dài hạn của công nghệ đó.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải nắm bắt được xu hướng tình hình phát triển công nghệ trên thế giới để đưa ra cảnh báo đối với DN. Cuối cùng là các cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm trong việc thẩm định đầu tư sao cho khách quan, tuân thủ luật pháp, quyết không để lọt lưới vào Việt Nam những dự án có dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

0 comments:

Post a Comment