Breaking News
Loading...
Saturday, December 6, 2014

MÔ HÌNH TRỮ NƯỚC MƯA TRÊN CÁT

12:07 AM
Hồ lót HDPE Mô hình trình diễn thu trữ nước mưa trên đồi cát phòng chống sa mạc hoá tại xã Hồng Phong huyện Bắc Bình, là một trong các nội dung thực hiện của dự án “Xây dựng mô hình trình diễn cộng đồng kết hợp ứng dụng các biện pháp truyền thống và khoa học kỹ thuật mới nhằm khai thác và bảo vệ tài nguyên đất và nước, góp phần phòng chống sa mạc hóa ở xã Hồng Phong huyện Bắc Bình”.


Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/SGP) đầu tư có đối ứng của tỉnh Bình Thuận. Tổ chức Điều hành dự án: Hội làm vườn tỉnh Bình Thuận. Tổ chức tư vấn: gồm các nhóm chuyên gia Trung ương và địa phương thuộc Trung tâm tài nguyên nước và Môi trường - Viện khoa học Thủy Lợi và Sở NN&PTNT Bình Thuận. Sở KH&CN Bình Thuận là đơn vị giám sát dự án tại địa phương.

Xã Hồng Phong (huyện Bắc Bình) địa điểm được chọn để xây dựng mô hình là một trong những vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, lượng mưa thấp tập trung vào mùa mưa với thời gian ngắn, cường độ nắng quanh năm lớn cùng với gió, cát bay, mùa khô cát bị nung nóng, cây trồng thiếu nước trầm trọng thường khiến nhiều loại cây trồng bị chết khô.

Mô hình được bắt đầu triển khai từ giữa năm 2005 đến nay tại mô hình 4, trên quy mô 4ha, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 13 hồ thu trữ nước loại 20m3 (sức chứa hữu hiệu 17,5m3), phần trữ nước lót bằng vật liệu chống thấm HDPE 0,3mm, phần thu nước mưa là một tấm HDPE 7,1 x 7,1m trải phía trên mặt đất cạnh mép hồ tạo mái dốc để hứng nước mưa. 4 hồ loại 30m3(sức chứa hữu hiệu 28m3)  bằng ximăng - đất, với mô hình nông nghiệp trú ẩn có hàng rào dầu lai, cây neem (xoan chịu hạn), cây trôm lấy mủ, cây nông nghiệp được trồng các loại đậu, bầu bí, dưa hạt (tuỳ theo thời vụ) trên đồi đất cát.

Từ mô hình trên 4 ha đồi cát thành công, đáp ứng nguyện vọng của người dân địa phương,  trong năm 2008, Dự án đã tiếp tục nhân rộng thêm 24 hồ thu trữ với sức chứa hữu hiệu 32m3 nước trong 24 hộ dân trong xã Hồng Phong. Mới đây, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp Hội Làm vườn Tỉnh Bình Thuận kiểm trađánh giá tình hình thực hiện và mở rộng của các mô hình thu trữ nước mưa của dự án.

Kết quả kiểm tra cho thấy, các hồ thu trữ nước loại lớn 20m3 và 30m3 được triển khai xây từ năm 2005 và 2006 nay đang phát huy hiệu quả tốt, toàn bộ hồ được che đậy kín nên lượng bốc hơi không đáng kể. Cây trôm trồng trên đồi cát được tưới bổ sung trong mùa khô các năm 2006, 2007 phát triển tốt hơn hẳn vùng không có tưới. Trong mùa mưa, nhu cầu tưới bổ sung cho cây trồng thấp nên người dân thả cá nước ngọt.

Đối với các hồ xây trong năm 2008 đã hoàn chỉnh khâu xây, trát, hiện nay người dân đang thực hiện khâu lợp mái để chống bốc hơi nước, các hồ mới xây gặp các cơn mưa cũng đã chứa được ½ hồ nước, sau khi súc hồ một số hộ dân đã sử dụng nước này tưới bổ sung cho mãng cầu mới ươm trồng. Các hộ dân ở đây cho biết, các dự án đã hỗ trợ 100% vật liệu đủ để xây và lợp mái hồ thu trữ nước. Ngoài ra, còn đầu tư hỗ trợ công kỹ thuật cho các khâu tô, trát để đảm bảo chất lượng công trình.

Các hộ dân cho biết thêm, những ngày đầu mới triển khai dự án (năm 2005) người dân chưa tin tưởng vào khoa học kỹ thuật, nên việc hưởng ứng còn hạn chế. Nhưng qua 2 năm theo dõi các hồ thu trữ nước mưa phát huy hiệu quả tốt, thì ai cũng phấn khởi khi được đầu tư nhân rộng trong năm 2008. Các hộ chưa có hồ thì mong dự án tiếp tục được mở rộng. Còn các hộ đã có mô hình thì mong muốn có thêm hồ để đủ nước tưới bổ sung cho cây trồng.

Các hộ dân được đầu tư mô hình nhân rộng trong năm 2008 đã có dự kiến sử dụng nước hồ để trồng cây gì cho hiệu quả, trong đó nhiều hộ cho rằng sử dụng nước hồ để trồng rau là hiệu quả nhất. Trong mùa mưa nhu cầu tưới bổ sung cho cây trồng ít nên nuôi một số lượng hạn chế ếch, cá nước ngọt (đối với hồ xi măng-đất). Việc tưới cho cây dài ngày chỉ nhằm để bổ sung nước tưới cho cây trồng trong giai đoạn nắng hạn.

Dự kiến này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của dự án là không đặt ra yêu cầu lớn giải quyết đủ nước cho cây lâm nghiệp, mà là xây dựng các mô hình trình diễn thu trữ nước mưa để tưới bổ sung cho cây trồng trong mùa khô đảm bảo cho cây trồng có thể chống lại những điều kiện khắc nghiệt để sinh tồn và sẽ tiếp tục phát triển trong mùa mưa tới.

0 comments:

Post a Comment