Breaking News
Loading...
Friday, December 5, 2014

HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI VÀ MÔI TRƯỜNG ELIS

8:26 PM
Nhóm chuyên đề ELIS - Chương trình SEMLA vừa tổ chức công bố thiết kế chi tiết và phiên bản mẫu (prototype) cho hệ thống ELIS (Hệ thống thông tin đất đai và môi trường) trong khuôn khổ dự án SEMLA. Trong buổi hội thảo này, nhóm cũng đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đơn vị tham gia trong nhóm chuyên đề ELIS như Trung tâm Thông tin (CIREN), Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai (CoLIP) và Cục Bảo vệ môi trường (VEPA).

Nhóm chuyên gia đã trình diễn  4 phân hệ bao gồm : Phân hệ quản lý quy trình và hồ sơ (PMD), phân hệ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (LRC), phân hệ quản lý biến động đất đai và phân hệ quản lý điểm nóng môi trường (HPM).

Điểm nổi bật của hệ thống ELIS là không chỉ quản lý các thông tin, dữ liệu đã qua xử lý mà quản lý toàn bộ thông tin trong suốt quá trình xử lý các hồ sơ. Với các quy trình được định nghĩa mềm dẻo trong hệ thống, các Sở Tài nguyên và Môi trường các Tỉnh, Thành phố dễ dàng quản lý tất cả các nghiệp vụ thông qua hệ thống máy tính.

Đây là lần đầu tiên có một hệ thống hỗ trợ việc xử lý hồ sơ nhanh chóng, chính xác và theo dõi tất cả các bước trong việc xử lý thông tin. Hệ thống này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho lãnh đạo để quản lý, điều hành cung cấp các công cụ cần thiết cho các cán bộ xử lý hồ sơ qua hệ thống mạng máy tính nội bộ và Internet.

Đối với người dân ELIS cung cấp dịch vụ tra cứu tiến độ xử lý hồ sơ qua mạng Internet. Thông qua các dịch vụ này, lần đầu tiên các cá nhân, tổ chức cũng có thể biết hồ sơ của mình được cơ quan Nhà nước tiếp nhận xử lý đến đâu thông qua mã hồ sơ đã được cấp tại nơi tiếp nhận hồ sơ.

Theo Trưởng nhóm ELIS, ELIS được định hướng xây dựng để trở thành một hệ thống thông tin quản lý, tích hợp dữ liệu của tất cả các ngành  trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành TN& MT vào một hệ thống thống nhất. ELIS sẽ hỗ trợ mạnh mẽ việc cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí đầu tư cho dữ liệu điều tra cơ bản, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành và đảm bảo phân cấp quản lý thông tin một cách an  toàn, chính xác, bảo mật.

Kết quả điều tra qua mạng của nhóm ELIS cho thấy, hiện nay nhu cầu triển khai ELIS ở các tỉnh rất cao (83,7%), song để áp dụng thành công việc quản lý thông tin  ngành theo ELIS, điều quan trọng nhất là từ địa phương, các Sở, Ban, Ngành cần phải xây dựng được một quy trình làm việc với sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Và đây chính là hệ thống hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động của các văn phòng "một cửa"  trong ngành TN& MT.

0 comments:

Post a Comment