Từ thành phần chủ yếu là đất sét, thạc sĩ Lê Ngọc Ninh, công tác tại Trường cao đẳng công nghiệp Phúc Yên, Vĩnh Phúc, đã chế ra một loại nguyên liệu xử lý mùi, màu và giảm ô nhiễm nước có tên là Kabenlis.
Chất Kabenlis là hỗn hợp làm từ đất sét cao lanh với chất xúc tác lis - một hỗn hợp nước biển hay muối ăn với chất CaO được điều chế theo một tỷ lệ nhất định.
Kabenlis chứa nhiều SiO2, Al2O3, MgO - là các thành phần cơ bản tạo ra nhân keo chủ đạo, giúp hút các ion kim loại và các hợp chất lơ lửng không tan trong nước. Hợp chất này lành tính, không ảnh hưởng đến động thực vật thủy sinh. Nước ô nhiễm được xử lý qua Kabenlis sẽ trở nên trong, không mùi, giữ sự sống bình thường cho các động vật dưới nước.
Quy trình xử lý nước ô nhiễm bằng chất này rất đơn giản, chỉ việc hòa tan nó vào nước. Giá thành Kabenlis lại rất rẻ, 1kg sản phẩm Kabenlis có giá từ 500 đến 1.000 đồng.
Việc thử nghiệm Kabenlis tại các phòng thí nghiệm cho thấy phương pháp này có nhược điểm là tạo ra nhiều bùn hơn một số hợp chất khác, tuy nhiên việc khắc phục nó cũng dễ và thực tế nhược điểm trên không gây hại gì đáng kể cho môi trường.
Cho tới nay, các nhà khoa học đã sáng chế nhiều chất xử lý nước bị ô nhiễm nhưng giá thành đắt hoặc khó áp dụng ở diện rộng. Nghiên cứu của thạc sĩ Lê Ngọc Ninh góp phần khắc phục tình trạng nói trên.
0 comments:
Post a Comment